Có thể nói, việc đăng ký kết hôn giữa người Việt Nam và người nước ngoài hiện nay đã không còn là điều quá mới lạ, khó thực hiện khi pháp luật nước ta đã có nhiều cải tiến về hồ sơ, trình tự thủ tục để tạo điều kiện tối đa cho công dân các quốc gia thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn.
Dẫu vậy, phải thừa nhận việc thực hiện thủ tục này chưa bao giờ là dễ dàng khi những khác biệt về ngôn ngữ, quy định pháp luật giữa các quốc gia,… sẽ là những rào cản nhất định cho các cặp đôi muốn thiết lập quan hệ hôn nhân. Thông qua bài viết này, Công ty Luật Vạn Phúc tỉnh Bình Phước sẽ cung cấp đến quý khách hàng một số quy định về hồ sơ, quy trình thực hiện thủ tục trên, cụ thể như sau:
Hồ sơ đăng ký kết hôn
Theo nội dung quy định tại Điều 38 Luật Hộ tịch 2014, thì “Hai bên nam, nữ nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nộp thêm giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân, bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu.”
Như vậy, hồ sơ đăng ký kết hôn gồm có:
- 01 Tờ khai đăng ký kết hôn. (theo mẫu).
- Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người Việt Nam và người nước ngoài.
- Giấy xác nhận tình trạng độc thân: thông thường giấy này do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp, và giấy này phải còn giá trị sử dụng xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc chồng.
Nếu không cấp giấy xác nhận này thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo quy định pháp luật nước đó. Nếu giấy chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài không ghi thời hạn sử dụng thì giấy tờ này chỉ có giá trị 06 tháng kể từ ngày cấp.
- Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam và của nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình.
Lưu ý: Nếu giấy xác nhận của cơ sở y tế này không có ghi thời hạn thì chỉ có giá trị 06 tháng kể từ ngày cấp.
- Bản sao CMND hoặc thẻ Căn cước công dân của người Việt Nam.
- Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu.
Trường hợp người nước ngoài không có hộ chiếu để xuất trình theo yêu cầu thì có thể xuất trình giấy tờ đi lại quốc tế hoặc thẻ cư trú.
Trình tự, thủ tục khi đăng ký kết hôn với người nước ngoài
Bước 1: Người có yêu cầu đăng ký kết hôn nộp hồ sơ đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền.
Bước 2: Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình.
Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả; nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì hướng dẫn ngay để người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định; trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì người tiếp nhận phải lập văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện, ký, ghi rõ họ, tên của người tiếp nhận.
Bước 3: Phòng Tư pháp tiến hành nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn. Trường hợp có khiếu nại, tố cáo việc kết hôn không đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của bên nam, bên nữ hoặc giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn thì Phòng Tư pháp phối hợp với cơ quan có liên quan xác minh làm rõ. Trong quá trình thẩm tra, xác minh hồ sơ, nếu thấy cần thiết, Phòng Tư pháp làm việc trực tiếp với các bên để làm rõ về nhân thân, sự tự nguyện kết hôn, mục đích kết hôn.
Nếu thấy hồ sơ hợp lệ, các bên có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, không thuộc trường hợp từ chối đăng ký kết hôn theo quy định, Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định. Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân đồng ý giải quyết thì ký 02 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
Bước 4: Phòng Tư pháp tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ đăng ký kết hôn. Công chức làm công tác hộ tịch hướng dẫn hai bên nam, nữ kiểm tra nội dung trong Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn, nếu hai bên thấy nội dung đúng, phù hợp với hồ sơ đăng ký kết hôn thì công chức làm công tác hộ tịch cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ; hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn
Thời hạn giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài là trong vòng 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
Trên đây là những nội dung tư vấn cơ bản về hồ sơ và quy trình giải quyết thủ tục kết hôn với người nước ngoài được quy định theo pháp luật Việt Nam. Trường hợp có những thắc mắc hoặc nhu cầu cần hỗ trợ thực hiện để tiết kiệm thời gian và chi phí, quý khách hàng có thể liên hệ với Công ty Luật Vạn Phúc tỉnh Bình Phước qua thông tin liên lạc Luật Sư Bình Phước để được cung cấp dịch vụ tư vấn và thực hiện thủ tục nhanh chóng, uy tín và và tận tâm nhất!
Bài viết liên quan: